GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT?

Chắc hẳn mỗi người trong số chúng ta – những người đang đi làm đều đã trải qua thời gian thử việc. Cho dù chúng ta có thay đổi công việc đến bao nhiêu lần, ngoại trừ những tình huống đặc biệt về chuyên môn nghề nghiệp, chúng ta đều phải thử việc ít nhất 01 lần trong đời. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và chia sẻ thêm những kiến thức về “Thử việc” nhé.

1. Tiền lương thử việc và thời gian thử việc theo quy định là bao lâu?

Khi cần tìm hiểu và đánh giá tổng quát hơn đối với ứng viên đã được tuyển dụng, thông thường người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận với người lao động để giao kết một hợp đồng thử việc.
Nội dung trên Hợp đồng thử việc phải đầy đủ và rõ ràng bao gồm tiền lương thử việc, thời gian thử việc và thỏa mãn các quy định tại Điều 21 của Bộ luật lao động 2019.
Thời gian thử việc được quy định tại Điều 25, Bộ luật lao động 2019 với các khung thời gian tương ứng theo trình độ chuyên môn của người lao động như sau:
“Điều 25. Thời gian thử việc
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
.”
Tiền lương thử việc được quy định tại điều 26 Bộ luật lao động 2019, theo đó trong thời gian thử việc, người lao động được tính ở mức 85% tổng thu nhập của công việc đó.

2. Thuế TNCN áp dụng trong thời gian thử việc là bao nhiêu? Tiền thuế TNCN người lao động đã bị khấu trừ có được hoàn lại?

Trong quá trình thử việc, trước khi chi trả thu nhập cho người lao động, người sử dụng lao động được quyền khấu trừ thuế TNCN với thuế suất 10% theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC nếu tổng thu nhập chi trả cho người lao động từ 2.000.000 đồng trở lên/01 lần.
Tuy nhiên, để không bị khấu trừ thuế TNCN trong thời gian thử việc, người lao động phải thỏa mãn các quy định sau:
– Cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng.
– Có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên.
– Chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế (nếu làm ở 02 nơi trở lên không được làm bản cam kết).
– Ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế (ước tính tổng thu nhập từ 132 triệu đồng/năm trở xuống nếu không có người phụ thuộc).
– Phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.
Tiền thuế TNCN người lao động đã bị khấu trừ có được hoàn lại?
Tại thời điểm quyết toán thuế TNCN cuối năm tài chính, nếu người lao động vẫn còn làm việc tại công ty và xác định chỉ có 01 nguồn thu nhập duy nhất là tiền lương từ công ty, người lao động được phép ủy quyền để công ty thực hiện quyết toán thuế thay cho người lao động.
Trường hợp tại thời điểm quyết toán năm, người lao động đã nghỉ việc và có nhu cầu quyết toán thuế TNCN đối với phần thu nhập phát sinh tại công ty, người lao động gửi yêu cầu để được cấp phát chứng từ khấu trừ thuế TNCN phát sinh trong năm và thực hiện thủ tục hoàn thuế TNCN với cơ quan thuế quản lý.
Trên đây là tổng hợp những kiến thức liên quan về giao kết Hợp đồng thử việc khi bạn vừa bắt đầu quá trình làm việc ở một công ty. Hy vọng rằng với những chia sẻ của chúng tôi sẽ phần nào giúp các bạn làm rõ những thắc mắc xoay quanh chủ đề “Thử việc” nhé.
Chúc các bạn thành công!
-Ly Mai-
Các tin khác