Kế toán là gì? Cần làm gì để trở thành một kế toán chuyên nghiệp?

Bạn có phải đang rất phân vân trong việc lựa chọn Kế toán làm ngành học và là nghề nghiệp gắn bó trong suốt cuộc đời của mình? Hãy để những chia sẻ của chúng tôi trong bài viết dưới đây góp phần trong việc ra quyết định của bạn nhé.

1.Khái niệm về Kế toán?

Chia sẻ theo kinh nghiệm của chúng tôi, kế toán là một quy trình từ việc tiếp nhận yêu cầu, thu thập thông tin trong quá trình làm việc với các bên liên quan, từ đó hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ, chứng từ tuân thủ theo quy định của luật kế toán & thuế, ghi chép, phân tích xử lý số liệu, đưa ra kết luận, báo cáo bằng văn bản và lưu trữ chứng từ.

Trong một tổ chức kinh tế, kế toán đóng vai trò rất quan trọng bởi từ những kết quả phân tích của họ có thể góp phần đánh giá được “sức khỏe” của doanh nghiệp và hỗ trợ cho cấp lãnh đạo ra quyết định liên quan quản lý, dự toán tài chính đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước trên tất cả các khía cạnh.

Từ những khái niệm trên, có thể thấy rằng, kế toán là một nghề đòi hỏi tính chính xác và trung thực rất cao. Vậy nên, để làm được những công việc liên quan đến nghề kế toán, kế toán viên cần có những kiến thức chuyên môn sâu, rộng và những kỹ năng phân tích, đánh giá, tính toán tốt.

kế toán chuyên nghiệp

2.Kế toán trong doanh nghiệp có bao nhiêu mảng?

Trong một tổ chức kinh tế, Kế toán được chia thành nhiều mảng tùy theo tính chất công việc được phân phối và giao phó, có thể kể đến các mảng Kế toán sau:

  • Kế toán thuế: là phần hành mà kế toán viên cần đảm bảo toàn bộ hồ sơ, chứng từ được thu thập của doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định về luật kế toán doanh nghiệp, thuế…. Chịu trách nhiệm kê khai và nộp tất cả các báo cáo của Doanh nghiệp đối với cơ quan thuế, trực tiếp làm việc với cơ quan nhà nước khi có yêu cầu.
  • Kế toán công nợ: là phần hành mà kế toán viên cần lập bảng theo dõi công nợ phải thu/phải trả từ Khách hàng/Nhà cung cấp của doanh nghiệp, từ đó báo cáo lên cấp quản lý để có hướng xử lý phù hợp đối với các khoản phải thu khó đòi và đảm bảo thanh toán đúng thời hạn theo quy định trên Hợp đồng.
  • Kế toán ngân hàng/thanh toán: là phần hành mà kế toán viên sẽ xử lý những công việc liên quan đến các giao dịch ngân hàng như thanh toán trong nước/quốc tế, mở bảo lãnh & L/C các loại, phối hợp với kế toán công nợ để tiến hành lập hồ sơ thanh toán đúng kỳ hạn theo thỏa thuận giữa Doanh nghiệp và đối tác.
  • Kế toán tiền mặt (Thủ quỹ): là phần hành mà kế toán viên theo dõi và ghi chép chi tiết các nghiệp vụ phát sinh phải sử dụng tiền mặt. Đây là công việc có thể tồn tại với tên gọi khác là Thủ quỹ, người chịu trách nhiệm thu – chi tiền mặt tại doanh nghiệp và báo cáo số dư tiền mặt đến cấp quản lý/lãnh đạo khi cần thiết.
  • Kế toán tổng hợp: là phần hành đòi hòi kế toán viên phải có kinh nghiệm lâu năm, chịu trách nhiệm kiểm tra và kiểm soát toàn bộ các kết quả nhận được từ các mảng kế toán phần hành khác trước khi gửi báo cáo tổng hợp theo yêu cầu, báo cáo quyết toán năm tài chính, báo cáo thuế hằng tháng/quý đến Kế toán trưởng và cấp lãnh đạo xét duyệt.
  • Kế toán trưởng: là người chịu trách nhiệm cao nhất của phòng kế toán trong doanh nghiệp và đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với toàn bộ dữ liệu tài chính của Doanh nghiệp được thể hiện trên các báo cáo theo quy định của pháp luật. Người đảm nhận vai trò Kế toán trưởng có thể bằng những kinh nghiệm của bản thân để tư vấn tài chính  cho Ban giám đốc nhằm tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả như mong muốn.

3.Các yếu tố cần thiết cho một kế toán viên?

Từ những chia sẻ bên trên, vậy chúng ta có thể tổng kết gì cho những phẩm chất cần thiết của một kế toán viên?

  • Phải hình thành sự đam mê với nghề kế toán và yêu thích việc phân tích những con số:

Kế toán là một công việc gắn liền với những con số, sổ sách, chứng từ, hóa đơn, được đánh giá là “khá khô khan”, thế nên nếu bạn không có sự yêu thích, đam mê những con số thì bạn chắc chắn không thể gắn bó lâu dài và dễ rơi vào tình trạng stress, áp lực được tạo nên từ chính những công việc hằng ngày của bạn.

  • Đề cao tính khách quan và trung thực của thông tin:

Kế toán là một nghề yêu cầu sự chính xác và trung thực rất cao, vì suy cho cùng, liên quan đến tiền hay tài chính là một vấn đề rất “nhạy cảm”. Người kế toán trong doanh nghiệp cần phải luôn “chính trực” trước các con số của doanh nghiệp để đảm bảo tính trung thực, thực tế trên tất cả các giao dịch phát sinh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi tiếp nhận thông tin để xử lý, trong quá trình làm việc, người kế toán phải luôn đứng dưới góc nhìn khách quan, phải biết kết hợp giữa kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và pháp luật hiện hành để ra các quyết định và kết luận, đảm bảo an toàn thông tin và hiệu quả.

  • Luôn cẩn thận và tỉ mỉ, chi tiết:

Là người chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ các chứng từ, hồ sơ, sổ sách liên quan đến những con số, thế nên phẩm chất cần có của một kế toán viên là phải luôn cẩn thận, tỉ mỉ và chi tiết hóa toàn bộ thông tin trong quá trình phân tích và xử lý để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ trên báo cáo cuối cùng.

  • Biết cách sắp xếp, quản lý công việc và chịu được áp lực công việc:

Như những chia sẻ ở trên, kế toán là một công việc cần sự tỉ mỉ và chu đáo trong từng khâu xử lý, công việc phát sinh theo yêu cầu từ đó cũng tăng lên. Vậy nên, kế toán viên phải là người chịu được áp lực công việc, đồng thời phải biết lập kế hoạch và quản lý kế hoạch, quản lý thời gian để đảm bảo đúng tiến độ thực hiện đã cam kết.

  • Biết lắng nghe, giữ thái độ cầu tiến trong công việc:

Kế toán là một nghề nghiệp cần rất nhiều kĩ năng được “chắt lọc” từ kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng đứng trước mọi tình huống xảy ra, người kế toán sẽ bằng suy nghĩ chủ quan, “cũ kĩ” của bản thân để đưa ra kết luận và cách giải quyết mà bỏ qua việc phải cải tiến, đổi mới theo hướng tích cực.

Rõ ràng rằng doanh nghiệp nào cũng cần một nhân viên có thái độ cầu thị và biết lắng nghe, biết thay đổi để cải tiến hiệu suất, gia tăng hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian xử lý hơn là một nhân viên luôn theo khuôn khổ, phép tắc, bảo thủ và không có thái độ cầu tiến trong công việc.

  • Sử dụng thành thạo tin học văn phòng và ngoại ngữ:

Để trở thành một kế toán viên, điều kiện cần là bạn phải sử dụng thành thạo tin học văn phòng ,các phần mềm kế toán, phần mềm hỗ trợ công tác kế toán liên quan và có những kiến thức cơ bản về chuyên môn nghề nghiệp kế toán.

Song song đó, điều kiện đủ để trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp là bạn phải tích lũy cho bản thân những kỹ năng để tương tác, phối hợp công việc được tốt hơn, cải thiện hiệu suất làm việc, gia tăng hiệu quả công việc.

Các kỹ năng đó phải kể đến là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch và báo cáo, kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, kỹ năng đọc hiểu tài liệu Tiếng Anh…

Qua bài viết này bạn đã có cái nhìn tổng quát hơn về nghề kế toán chưa nào? Hy vọng rằng với những kinh nghiệm được chia sẻ của chúng tôi sẽ có thể góp phần giúp bạn ra quyết định lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân.

Chúc các bạn thành công và trở thành một kế toán chuyên nghiệp!

-Ly Mai-

Các tin khác